
1. Chọn giống: Nên chọn mua hạt giống ở các cửa hàng uy tín; hướng dương được chia thành 2 loại chính là hướng dương lùn và hướng dương cao
+ Hướng dương lùn có chiều cao cây từ 30 - 60cm, đường kính hoa từ 5 - 10cm. Thích hợp trang trí trên làm việc, ban công hay phòng khách.
+ Hướng dương cao có chiều cao cây từ 1 - 3.5m và đường kính hoa từ 7 - 10cm. Thích hợp trồng các vườn hoa để du khách tham quan, và trang trí ngoài trời
è Tùy mục đích sản xuất chọn loại hạt giống cho phù hợp.
2. Kỹ thuật trồng hoa hướng dương
2.1 Thời vụ trồng: Thời gian từ trồng hướng dương đến ra hoa giao động từ 70 - 75 ngày (tuỳ loại giống). Vì vậy, để cây ra hoa vào dịp Tết âm lịch, thông thường hạt nên được gieo vào 15 tháng 10 âm lịch.
2.2 Chuẩn bị dụng cụ
- Chậu trồng hoa: chọn chậu có đường kính thích hợp (khoảng 25-30cm).
- Đất trồng: yêu cầu đất phải tơi xốp, nhuyễn, thoát nước nhanh; thành phần đất có thể là: tro trấu: đất thịt: phân chuồng ủ oai (tỷ lệ 1:1:1); hoặc (2) đất trồng cây : phân trùn quế : mụn dừa : giá thể tro trấu (tỷ lệ 3:3:2:2); hoặc (3) hỗn hợp đất sạch mua từ các cửa hàng.
2.3 Ươm hạt: Chọn hạt tròn đều, to, mảy và không biểu hiện mầm bệnh. Ngâm hạt hướng dương vào nước ấm khoảng 40-50 độ C (tỉ lệ pha: 2 sôi + 3 lạnh) trong 8h. Sau đó, tiến hành gieo hạt vào trực tiếp vào chậu, cũng có thể gieo hạt trong khay.
Gieo hạt vào khay: sâu 2cm, tưới nước cho ẩm, sau 3-5 ngày hạt sẽ nảy mầm, giai đoạn này cần che nắng cho cây con. 5 ngày sau khi gieo thì bắt đầu nhấc giàn che cho cây con phát triển, sáng nhấc giàn che ra đến 10h đậy lại.
Mỗi ngày tưới 2 lần để giữ ẩm cho đất ươm cây vào sáng sớm và chiều mát, khi tưới cần tưới nhẹ, hạt nước nhỏ tránh làm xay xát cây con. Khi cây cứng cáp, rễ non của cây mọc qua đáy khay ươm, tiến hành chuyển sang chậu lớn (mọc 4-5 lá, không tính cặp lá mầm).
2.4 Trồng cây: Đặt hạt hoặc cây mọc 4-5 lá (không tính cặp lá mầm) đã chuẩn bị sẵn vào giữa chậu, đặt nhẹ nhàng, cạnh gốc cây hoa hướng dương con, cần cắm một thanh tre hay thanh gỗ nhỏ, dùng dây buộc phần thân cây vào thanh gỗ để giúp cây cứng cáp, không bị gãy đổ.
Lưu ý: với cây chuyển từ khay ươm tránh làm bể bầu, chỉ lấp đất đến vị trí cặp lá mầm và trồng vào buổi chiều mát. Sau khi trồng luôn luôn giữ ẩm cho đất chậu để cây phát triển tốt.
2.5 Chăm sóc: Đặt chậu ở nơi có nhiều ánh sáng để cây quang hợp tốt; thân cây được cứng cáp và có thể thu được những bông hoa to. Tưới đầy đủ nước cho cây, đảm bảo đất đủ ẩm, tuy nhiên cây lại không chịu được sự ngập úng, chính vì thế cần có chế độ tưới phù hợp để cây phát triển tốt.
- Bón phân:
+ Cây con: 10 ngày sau trồng, sử dụng NPK 30-9-9 và sau đó mỗi 10 ngày tưới một lần NPK 30-9-9 (có thể bón bổ sung mỗi 10 ngày/lần các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân cá, phân bánh dầu. phân dê, phân bò, phân gà, phân dơi..)
+ Cây trưởng thành: sử dụng NPK 15-15-15 hoặc NPK 20-20-20 để giúp cây sinh trưởng ổn định, gíup bộ lá luôn xanh tốt.
+ Cây bắt đầu hình thành nụ: sử dụng phân như 6-30-30, 10-30-20, ... tốt cho quá trình hình thành nụ và kích thích ra hoa.
- Khi nụ lớn, chuẩn bị nở hoa chuyển sang sử dụng phân có hàm lượng kali cao để dưỡng hoa như: 6-30-30; 15-20-25; super kali để hoa lâu tàn và có màu sắc rực rỡ.
2.6 Lãy đọt: Khi cây được 40-45 ngày, đã xuất hiện các chồi ở nách lá. Để hoa được to, liên tục lãy các chồi nách chỉ giữ lại một nụ chính. Trong trường hợp muốn cây nhiều hoa (hoa sẽ nhỏ): giữ lại vài chồi nách (mỗi chồi nách sẽ cho 1 hoa), tỉa chồi so le với khoảng cách tương đối đều nhau khoảng 30cm; số lượng hoa tương ứng với số chồi nách giữ lại.
2.7 Phòng trừ bệnh hại
Bệnh thối gốc héo rũ và đốm mắt cua được xem là 02 loại bệnh gây hại nghiêm trọng trên cây hướng dương:
Bệnh thối gốc héo rũ
Tác nhân: do một số loài nấm và vi khuẩn gây ra như: Fusarium oxysporum, Fusarium lycopersici, Sclerotrium rolfsii Sacc; Pseudomonas solanaceum
Triệu chứng: Mầm bệnh thường tấn công vào phần gốc của cây giáp với mặt đất. Ban đầu vết bệnh chỉ là một đốm nhỏ có màu nâu, hơi lõm vào, sau đó phát triển rộng dần ra bao quanh gốc rồi lan xuống tận cổ rễ dưới mặt đất. Chỗ bệnh bị thối và phân hủy dần. Sau đó rễ chuyển sang màu nâu đen và thối mục, làm cho những lá phía dưới gốc bị héo vàng trước và rụng, sau đó các lá phía trên héo rũ và chết khô.
Biện pháp quản lý: dọn sạch tàn dư cây bệnh tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh ban đầu; thoát nước tốt; không bón quá nhiều phân đạm, tăng cường bón thêm phân hữu cơ hoai mục nhất là phân kali và phân lân để tăng cường sức chịu đựng cho cây; cây bị bệnh nặng cần nhổ bỏ và đưa ra tiêu hủy, sau đó khử trùng chỗ gốc vừa nhổ bằng vôi bột hoặc formol 2%; sử dụng thuốc hoá học chứa Thiophanate Methyl, Chlorothalonil … phun 2-3 lần, cách nhau khoảng 10-15 ngày.
Bệnh đốm mắt cua
Tác nhân: do nấm Cercospora gây ra
Triệu chứng: dấu hiệu ban đầu của bệnh là xuất hiện những chấm nhỏ có màu vàng, rồi sẽ lan rộng thành những đốm hình tròn có đường kính một vài mm, cá biệt là từ 5 đến 6 mm trên lá. Nếu gặp điều kiện ẩm thì bệnh sẽ phát triển và lây lan nhanh hơn. Trong trường hợp khô hanh thì sẽ tạo ra các lỗ ở trên lá, bị nặng sẽ làm cho lá vàng bị rụng, cây chết dần. Bệnh có thể phát triển từ khi cây còn nhỏ và cây càng lớn thì càng nặng, đặc biệt khi bước vào giai đoạn ra hoa.
Biện pháp quản lý: xử lý đất, giá thể trước khi trồng; bón phân cân đối đảm bảo dinh dưỡng cho cây (bổ sung phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục); sử dụng thuốc hoá học chứa Thiophanate Methyl, Chlorothalonil, Copper Oxychloride + Zineb… để phun xịt.
Lưu ý: Trong quá trình sinh trưởng, cây hướng dương cũng dễ bị sâu ăn lá, rầy mềm, bọ trĩ và nhện đỏ tấn công, vì vậy cũng cần quan tâm quản lý các đối tượng này.
Nguồn: Bản tin NNNT